TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Back
VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG VIỆC THAM GIA THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3, Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 09b/NQ-BCH, ngày 23/8/2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) về Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 11/11/2016 và các văn bản hướng dẫn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giai đoạn 2016 - 2020, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 45/KH-LĐLĐ về Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới. Đây là cơ sở pháp lý, là điều kiện thuận lợi để CNVCLĐ phát huy quyền dân chủ trực tiếp trong việc tham gia quản lý, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ổn định, phát triển bền vững
     Trong quá trình lãnh, chỉ đạo các cấp Công đoàn gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn, cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kết hợp với tham gia cải cách hành chính, xây dựng một số quy định về quản lý tài sản công, chi tiêu tài chính, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ...; coi trọng công tác chỉ đạo điểm; tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời. Từ đó, các CĐCS chủ động đề xuất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thành lập Ban Chỉ đạo, nội dung xây dựng quy chế dân chủ, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, phối hợp với người đứng đầu tuyên truyền, phổ biến quy chế dân chủ ở cơ sở tới CNVCLĐ; chủ động tham gia phản biện để nâng cao chất lượng các quy định, quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; đưa nội dung Công đoàn tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vào tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại Công đoàn các cấp hàng năm...
 
Hội nghị Người lao động.
     Từ việc triển khai thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, số lượng, chất lượng của các cuộc Hội nghị CBCCVC, Hội nghị NLĐ tăng dần hàng năm. Năm 2013, có 114/124 doanh nghiệp (đủ điều kiện tổ chức Hội nghị NLĐ), đạt tỷ lệ 92%; năm 2017, có 106/108 doanh nghiệp (đủ điều kiện tổ chức Hội nghị NLĐ), đạt tỷ lệ 98%; Hội nghị CBCCVC bình quân hàng năm trên 99%. Nhìn chung, đa số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều có xây dựng các loại Quy chế theo quy định; nội dung, quy trình tổ chức Hội nghị CBCCVC, Hội nghị NLĐ nhiều nơi thực hiện tương đối tốt; việc công khai cho CNVCLĐ biết được thường xuyên hơn; những việc CNVCLĐ tham gia ý kiến trước khi lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quyết định và CNVCLĐ tham gia giám sát đều được lãnh đạo khuyến khích, tạo mọi điều kiện để họ tham gia đóng góp ý kiến và thực hiện quyền giám sát của mình. 
     Việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Sau khi Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Nghị quyết 02/NQ-ĐCT về đẩy mạnh đối thoại tại cơ sở khu vực doanh nghiệp, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến các cấp công đoàn trong tỉnh thực hiện. Kết quả đến nay, có 114/134 doanh nghiệp xây dựng quy chế đối thoại, đạt 85% (chỉ tiêu 70%), đã tổ chức đối thoại được 209 cuộc. Nhìn chung, ở các doanh nghiệp có đông CNLĐ, việc đối thoại được tổ chức đúng quy định và có chất lượng, các CĐCS biết lựa chọn nội dung ưu tiên để đưa ra đối thoại nhằm giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của đa số người lao động, cử thành viên tham gia đối thoại phù hợp với nội dung đối thoại sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Hầu hết nội dung đối thoại đều do Công đoàn chủ động đề xuất và kết quả đối thoại thành, được doanh nghiệp thực hiện tốt.
     Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân dần đi vào nề nếp: LĐLĐ tỉnh phối hợp Thanh tra tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Ban Thanh tra nhân dân, đồng thời ban hành một số văn bản hướng dẫn để Ban Thanh tra nhân dân hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Các Ban Thanh tra nhân dân đã thực hiện quyền giám sát theo quy định. Kết quả, theo đánh giá của các cấp Công đoàn trực thuộc, số lượng Ban Thanh tra nhân dân hoạt động tốt chiếm khoảng 65%, còn lại là khá và trung bình.
     Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định: 
     - Không ít nơi chính quyền (NSDLĐ) chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc tổ chức xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chưa xác định được trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật (thường do Công đoàn chủ động phối hợp, có nơi khoán trắng cho Công đoàn), từ đó một số doanh nghiệp chưa xây dựng được các loại Quy chế hoặc có xây dựng nhưng tổ chức thực hiện chưa tốt; vẫn còn một số nơi tổ chức Hội nghị NLĐ, Hội nghị CBVCVC còn nặng về hình thức, nội dung các bước thực hiện chưa đầy đủ theo quy định, có doanh nghiệp lồng ghép với tổng kết năm hoặc đại hội cổ đông...
     - Việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hiện nay còn lúng túng, vì đây là quy định mới của Bộ Luật Lao động và Nghị định số 60/2013/NĐ-CP; nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ còn nhiều mặt hạn chế, chưa quan tâm đến việc tổ chức đối thoại, chưa nhận thức đúng về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nên chỉ mới thực hiện ở một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh; trong thực tế một số doanh nghiệp có xây dựng quy chế đối thoại, nhưng chưa tổ chức đối thoại hoặc tổ chức chưa đúng theo quy định; một số doanh nghiệp nhỏ, có ít lao động chưa quan tâm đến việc thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc (vì cho rằng người lao động gặp trực tiếp và trao đổi với chủ doanh nghiệp hàng ngày).
     Để phát huy tốt hơn nữa vai trò Công đoàn trong tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như sau:
     1. Nâng cao năng lực và hiệu quả Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
     - Nghiên cứu quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở chủ động chuẩn bị tốt nội dung, tham gia với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở; nội dung quy chế dân chủ phải thể hiện đầy đủ quyền của người lao động được biết, được bàn, được quyết định và được kiểm tra giám sát những chủ trương, chính sách, chế độ liên quan đến người lao động. Tổ chức để người lao động được tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ. Căn cứ vào điều kiện, đặc thù của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đề xuất các hình thức dân chủ khác, nhằm phát huy đầy đủ quyền dân chủ của người lao động như: tổ chức hòm thư góp ý, góp ý kiến thông qua hộp thư điện tử, tổ chức ngày tiếp người lao động hàng tháng; tổ chức hội nghị đối thoại…
     - Phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến quy chế dân chủ ở cơ sở tới công nhân, viên chức và người lao động; phân công cán bộ công đoàn theo dõi, giám sát thực hiện ở từng bộ phận trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; cùng người đứng đầu định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chủ động đề xuất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các quy chế, quy định nội bộ khác, như quy chế đối thoại, quy chế tiền lương, tiền thưởng, quy chế sử dụng các quỹ trong doanh nghiệp, nội quy lao động và các quy chế, quy định khác có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động.
     2. Công đoàn chủ động tham gia chuẩn bị và tổ chức tốt Hội nghị cán bộ công chức viên chức, Hội nghị người lao động. 
     - Đề xuất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng quy chế Hội nghị người lao động, hàng năm có văn bản liên tịch, hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức Hội nghị CBCCVC, Hội nghị NLĐ. Chủ động phối hợp với chuyên môn phổ biến Nghị quyết Hội nghị CBCCVC, Hội nghị NLĐ tới toàn thể người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức giám sát, kiểm tra và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.
     - Tham gia chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của người lao động ở cơ sở; khuyến khích người lao động phát huy tinh thần dân chủ, chủ động tích cực tham gia đề xuất sáng kiến, kiến nghị nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Tổ đối thoại tại cơ sở...
Đoàn giám sát làm việc tại Công ty Cổ phần Quốc tế Satraco
     3. Công đoàn chủ động đề xuất nội dung đối thoại với người sử dụng lao động, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
     - Chủ động đề xuất với người sử dụng lao động xây dựng và ban hành quy chế đối thoại tại doanh nghiệp; tổ chức cho đoàn viên, CNVCLĐ đề xuất nội dung đối thoại; lựa chọn thành viên tham gia đối thoại sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Những vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động; công đoàn cần khẩn trương đề nghị người sử dụng lao động tiến hành đối thoại để sớm tháo gỡ, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh.
     - Kết quả đối thoại cần được thông báo công khai cho người lao động biết và tổ chức giám sát kết quả đối thoại đã đạt được.
     4. Nâng cao năng lực và hiệu quả công đoàn tham gia phản biện trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
     - Chủ động tham gia từ khi chuẩn bị tài liệu liên quan đến dự thảo nội dung văn bản, cần phản biện để nâng cao chất lượng các quy định, quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Những vấn đề có liên quan trực tiếp đến người lao động, cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi tới cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động; cần tạo ra bầu không khí dân chủ để người lao động tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào các nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp.
     5. Nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.
     - Ban Thanh tra nhân dân, có nhiệm vụ giám sát hoạt động của tổ chức, cá nhân, góp phần phòng ngừa, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, do đó phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, cần lựa chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bản lĩnh; có trình độ kiến thức chuyên môn sâu, bầu vào Ban Thanh tra nhân dân. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra và có cơ chế, chính sách, động viên khen thưởng kịp thời đối với thành viên Ban Thanh tra nhân dân.
     Với những kết quả đạt được trong việc tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua đã góp phần vào thành công chung của tỉnh trong việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân nói chung và của CNVCLĐ nói riêng thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” 
Nguyễn Thị Thanh Tuyền

liên kết web