TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Back
Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế từ 01/06: Người dân nên tham gia BHYT để tránh “bẫy nghèo”
Theo lộ trình tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế, từ ngày 01/06/2017, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới bao gồm hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Nhiều dịch vụ y tế có mức tăng gấp 2-3 lần so với giá cũ và người không có BHYT sẽ phải chi trả 100%. ThS-BS. Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam có cuộc trao đổi phỏng vấn với phóng viên Tạp chí BHXH.
     Sau đây Ban Biên tập Trang thônng tin điện tử LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng xin đăng nội dung của cuộc trao đổi để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tuyên truyền vận động người thân trong gia đình và quần chúng nhân dân cùng tham gia BHYT.
 
     Trước hết, xin đồng chí cho biết khái quát nội dung chủ yếu của việc tính đúng, tính đủ viện phí đối với người không có thẻ BHYT và những tác động của đợt điều chỉnh này?
     ThS-BS. Lê Văn Phúc: Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT “Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp” của Bộ Y tế, ban hành ngày 15/03/2017, từ ngày 01/06/2017, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Có tổng cộng 1.916 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh về giá. Với việc tích hợp thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí đối với ba yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức giá tăng tới 2-3 lần so với giá cũ và sẽ người không có BHYT sẽ phải tự chi trả 100%. 
     Cụ thể, tiền khám và tiền giường tăng gấp 2-4 lần so với mức giá hiện nay. Tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 01 là 39.000 đồng/lượt; với bệnh viện hạng 02 là 35.000 đồng/lượt, hạng 03 là 31.000 đồng/lượt và với bệnh viện hạng 04, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt. Tương tự, giá tối đa dịch vụ của một ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt cũng tăng gấp đôi - lên mức 677.100 đồng, tại bệnh viện hạng 01 là 632.200 đồng, tại bệnh viện hạng 02 là 568.900 đồng… Mức tăng này tác động mạnh đến bệnh nhân nội trú, phải nằm viện dài ngày.
     Tuy nhiên, tác động đáng kể nhất là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm bởi đây là các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn. Trong số hơn 1.900 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá khoảng 20-30%, một số dịch vụ tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành. Số tiền tuyệt đối tăng cho mỗi dịch vụ lên đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng. Ví dụ như chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng, nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng... Đặc biệt, một số dịch vụ kỹ thuật cao có mức tăng mạnh, như dịch vụ chụp PET/CT hiện có giá hơn 20 triệu đồng, PET/CT mô phỏng xạ trị có giá gần 21 triệu đồng... 
     Được biết việc điều chỉnh tính đúng, tính đủ viện phí đã được thực hiện đối với bệnh nhân có thẻ BHYT từ 01/03/2016 nhưng đến giữa năm 2017 mới thực hiện điều chỉnh đối với nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT, xin đồng chí cho biết vì sao lại có sự điều chỉnh không đồng nhất về thời gian giữa các đối tượng như vậy? 
     ThS-BS. Lê Văn Phúc: Đúng như vậy, thực hiện đổi mới cơ chế tài chính y tế, việc điều chỉnh tính đúng, tính đủ viện phí đã được triển khai theo lộ trình, theo đó, những người có thẻ BHYT – được Quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí khám, chữa bệnh, tùy theo từng nhóm đối tượng thụ hưởng, được lựa chọn đi trước trên lộ trình này nhằm bảo đảm ổn định, không gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống xã hội. Để thực hiện được việc điều chỉnh, các cơ quan chức năng đã có cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, từ mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tăng cường hiện đại hóa quản lý, tích lũy nguồn quỹ dự phòng…
     Tuy nhiên, đổi mới cơ chế tài chính y tế đòi hỏi phải có sự đồng bộ và thống nhất. Đặc biệt, nếu chỉ điều chỉnh đối với nhóm đối tượng có BHYT mà không thực hiện đối với nhóm đối tượng chưa có BHYT vô hình chung sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử. Tuy nhiên, để những người dân chưa có BHYT chuẩn bị về tâm lý cũng như không tạo ra sự thay đổi quá lớn, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã được xây dựng với lộ trình tăng tương đối chậm nhằm giúp người dân có thời gian thích ứng dần dần. Trước khi áp dụng mức giá mới, khi đi khám chữa bệnh, người chưa tham gia BHYT trả mức giá thấp hơn so với mức giá áp dụng đối với nhóm dân số có thẻ BHYT bởi giá dịch vụ y tế dành cho người chưa có BHYT mới chỉ tích hợp 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp: Chi phí về thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế phục vụ khám chữa bệnh; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ. Bên cạnh đó, giá của các dịch vụ y tế này vẫn đang được áp dụng theo quy định đã ban hành từ khá lâu nên mức giá thấp hơn so với thời giá. 
     Điều này thể hiện sự cẩn trọng và quan tâm thiết thực của Chính phủ đối với những người chưa tham gia BHYT, tạo thời gian chuyển tiếp cần thiết cho những người chưa tham gia BHYT thực hiện trách nhiệm của mình trong chủ trương BHYT toàn dân. Giá dịch vụ y tế hiện nay dù được điều chỉnh thì cũng mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn đang được thực hiện, giá dịch vụ y tế sẽ còn tiếp tục tăng theo lộ trình. Song song với việc thay đổi cơ chế tài chính y tế, Chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua giải pháp hỗ trợ tham gia BHYT thay vì đầu tư ngân sách trực tiếp cho các bệnh viện. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi về tài chính trong chăm sóc sức khỏe, tránh “bẫy nghèo” do chi phí y tế khi không may ốm đau, việc người dân tham gia BHYT càng trở nên cần thiết.
     Hiện nay theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHYT hơn 81% dân số, như vậy vẫn còn xấp xỉ 20% dân số chưa tham gia BHYT. Với tư cách là một chuyên gia, đồng chí có lời khuyên gì với gần 20% dân số sẽ chịu tác động của đợt điều chỉnh viện phí theo Thông tư 02 này? Chúng ta cần làm gì để gần 20% dân số còn lại cũng được chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT?
     ThS-BS. Lê Văn Phúc: Việc điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ là hệ quả tất yếu của việc đổi mới cơ chế tài chính y tế với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân chứ không phải với mục tiêu “ép” người dân tham gia BHYT như một số trang mạng xã hội đang rộ lên gần đây. Không chỉ thế, việc thực hiện điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ cho tất cả các nhóm đối tượng còn nhằm tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung. Tất nhiên, dù không nên và không thể trông chờ việc tăng giá sẽ là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy người dân tham gia BHYT, song điều này chắc chắn có tác động đến việc tham gia BHYT của người dân cũng như giúp họ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của BHYT. Thực tế cho thấy đã có nhiều gia đình người bệnh chưa tham gia BHYT nên khi mắc bệnh trọng đã trở thành khó khăn trong quá trình điều trị, một số người đã phải cầm cố cả tài sản, thậm chí bán nhà, cửa ruộng đất... qua đó mới thấm thía giá trị của việc tham gia BHYT. Đặc biệt, khi thực hiện giá viện phí mới, nếu không tham gia BHYT, việc chi trả 100% các chi phí dịch vụ đối với các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh trọng sẽ vô cùng khó khăn và đôi khi là không có đủ điều kiện về tài chính để điều trị.
     Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tổ chức thực hiện và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể là tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHYT, hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và khả năng cung cấp dịch vụ y tế, để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, tự nguyện, tự giác tham gia BHYT – đó mới là mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân và rộng hơn nữa là tạo nên một nền tảng An sinh xã hội một cách bền vững nhất./
                                       
                                                                                                                 Đức An (Thực hiện)

liên kết web