TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Back
Thực hiện BHXH cho lao động hợp đồng từ 01-03 tháng: Những vấn đề cần quan tâm
Luật BHXH (sửa đổi) quy định “người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng” là đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn về quản lý lao động, quản lý đối tượng tham gia BHXH thời gian qua cho thấy, việc quản lý nhóm lao động giao kết hợp đồng dưới 03 tháng hết sức khó khăn, nhiều thách thức. Từ việc khai trình lao động, đăng ký tham gia BHXH đến việc làm thủ tục, hồ sơ, theo dõi quá trình đóng – hưởng BHXH cho nhóm lao động giao kết hợp đồng dưới 03 tháng này vì có nhiều điểm đặc thù so với các nhóm lao động khác. Do đó, để tạo cơ sở triển khai trên thực tế cần nghiên cứu, đánh giá, quan tâm đến một số vấn đề từ cơ sở pháp lý, thực tiễn và đặc điểm, mong muốn của người lao động.
     Sau đây Ban Biên tập TTTĐT LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng xin đăng nội dung bài viết của Tiến Sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tựa đề “Thực hiện BHXH cho lao động hợp đồng từ 01 – 03 tháng, NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM để giúp cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ theo dõi thực hiện
     Bài 01. Cơ sở pháp lý thực hiện BHXH lao động hợp đồng từ 01-03 tháng
    Qua hơn 30 năm đổi mới, quan điểm của Đảng đối với các vấn đề xã hội đã dần được bổ sung, hoàn thiện và trở thành một hệ thống quan điểm về chính sách xã hội trong thời kỳ đổi mới. Trong đó, quan điểm xuyên suốt qua từng giai đoạn gắn với các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc là:
    - Tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Công bằng xã hội không chỉ được thực hiện trong phân phối kết quả sản xuất, mà còn được thực hiện ở khâu phân phối tư liệu sản xuất, ở việc tạo ra những điều kiện cho mọi người phát huy tốt năng lực của mình và thực hiện phân phối lại qua hệ thống chính sách xã hội.
     - Chính sách xã hội, an sinh xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội .
     - Khẳng định trách nhiệm bảo đảm chính sách xã hội, an sinh xã hội là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân trong quá trình phát triển bền vừng của đất nước theo tinh thần xã hội hóa, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.
     Những quan điểm về các chính sách xã hội, an sinh xã hội được bổ sung, phát triển gắn với các giai đoạn, cụ thể:
     - Giai đoạn 1985 – 1995:
     Ngày 18/12/1980, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI đã thông qua Hiến pháp trên cơ sở kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959. Trong đó, tại Điều 59 đã khẳng định: “Người lao động có quyền nghỉ ngơi. Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ an dưỡng và nghỉ ngơi của công nhân, viên chức. Công nhân, viên chức khi về hưu, già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động được hưởng quyền lợi BHXH. Nhà nước mở rộng dần sự nghiệp BHXH theo trình độ phát triển của nền kinh tế quốc dân và bảo đảm cho người lao động được hưởng quyền lợi đó. Nhà nước hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ BHXH đối với xã viên”.
     Từ năm 1986, Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế, chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; đòi hỏi phải có sự thay đổi tương ứng về chính sách xã hội. Trong giai đoạn này, các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước đều đề cập tới chính sách BHXH. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 05 năm từ 1991-1995, trong đó có nội dung: “Đổi mới chính sách BHXH theo hướng mọi người lao động và đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều đóng góp vào Quỹ BHXH. Từng bước tách Quỹ BHXH đối với công nhân viên chức nhà nước khỏi ngân sách và hình thành Quỹ BHXH chung cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế”. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định “Cải cách chế độ bảo hiểm... Thiết lập một hệ thống đồng bộ và đa dạng về bảo hiểm và trợ cấp xã hội”.
     Ngày 15/04/1992, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1980, trong đó tại Điều 56 nêu rõ: “Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ BHXH đối với viên chức Nhà nước và những người làm công ăn lương; khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với người lao động”.
     Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện và tiền đề cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH ở Việt Nam trong giai đoạn này và những năm về sau.
     - Giai đoạn 1995 – 2006:
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII năm 1996 nhấn mạnh: “Mở rộng chế độ BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế, áp dụng bắt buộc đối với các cơ quan, các doanh nghiệp. Tổ chức quản lý và sử dụng tốt các quỹ bảo hiểm; bảo đảm đời sống của người nghỉ hưu”. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 26/5/1997 về “Tăng cường sự lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH”. Trong đó yêu cầu các Tỉnh ủy, thành ủy, các ban, đảng đoàn, ban cán sự Đảng và đảng uỷ trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện chế độ BHXH, xác định trọng tâm là thu BHXH, đảm bảo nguyên tắc có tham gia thì mới được hưởng; kiểm tra, rà soát hồ sơ, cấp lại thẻ lĩnh lương hưu, trợ cấp, cấp sổ BHXH cho người lao động đảm bảo chặt chẽ, công bằng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chống lại các biểu hiện tiêu cực, gây thất thoát trong tổ chức thực hiện; kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện BHXH; tổ chức sơ kết hoạt động BHXH trong thời gian qua, có những kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các chế độ BHXH, tạo điều kiện mở rộng chế độ BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế và sớm xây dựng Luật BHXH; quan tâm, bòi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bọ nghiệp vụ và trang bị các phương tiện kỹ thuật cần thiết để nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và rộng hơn trên lĩnh vực này.
     Ngày 23/06/1994, tại Kỳ họp thứ 05, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX đã thông qua Bộ luật Lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, trong đó quy định một chương riêng (Chương XII) về những nguyên tắc chung nhất về BHXH.
    Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) chỉ ra: “Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm đối với người lao động thất nghiệp”; đồng thời, Đại hội đã thông qua Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2001-2005, trong đó xác định: “Cải cách cơ chế BHXH và bảo đảm xã hội, cải cách và tăng cường chất lượng hệ thống BHXH, cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho nhân dân, nhất là cho người nghèo, vùng nghèo. Ban hành Luật BHXH”.
     Ngày 02/04/2002, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2003, trong đó các nội dung về BHXH tiếp tục được quy định, củng cố và hoàn thiện.
    Đổi mới hệ thống BHXH theo hướng đa dạng hóa hình thức và phù hợp với kinh tế thị trường; xây dựng chế độ BHTN, thực hiện tốt chế độ bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động”.
     Ngày 29/06/2006, tại kỳ họp thứ 09 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật BHXH, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007, riêng các nội dung quy định về BHXH tự nguyện có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2008 và BHTN có hiệu lực từ ngày 01/01/2009. Luật BHXH được xây dựng trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện những quy định trong pháp luật về BHXH hiện hành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các chế độ BHXH được xây dựng theo nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng và chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, tùy theo tính chất của từng chế độ, góp phần thực hiện An sinh xã hội; bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa các đối tượng tham gia BHXH ở các thời kỳ khác nhau; bảo đảm quan hệ hài hòa giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội; mở rộng đối tượng tham gia BHXH, các chế độ BHXH và loại hình BHXH; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và tiến trình công nghiệp hoá. Quỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được hạch toán tương ứng với từng nhóm chế độ; quản lý và sử dụng theo nguyên tắc cân đối thu - chi, bảo toàn và phát triển; được Nhà nước bảo hộ.
     Ngày 28/01/2008, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X đã ra Kết luận số 20-KL/TW “Về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 - 2012”. Theo đó, cải cách chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 - 2012 được thực hiện theo các mục tiêu, quan điểm: Coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội. Cải cách chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công phải gắn với việc kiềm chế tốc độ tăng giá, bảo đảm tốt hơn đời sống của người nghèo, đồng bào dân tộc, đối tượng chính sách xã hội nhằm đạt mục tiêu Đại hội X của Đảng đã đề ra là: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”.
     Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) đã chỉ ra: “Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT, BHTN, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống. Tăng tỉ lệ người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm. Đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ BHXH... Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật BHXH, đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ chế độ quy định đối với mọi đối tượng”.
     Chiến lược tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu “phát triển hệ thống An sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả. Phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm như BHXH, BHTN, bảo hiểm TNLĐ và BNN... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm”.
     Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/06/2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 nêu rõ nhiệm vụ: “Nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng BHXH. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý Quỹ BHXH để bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ BHXH. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Rà soát, bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia BHTN”.
      Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020, trong đó nêu rõ quan điểm: “BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống ASXH, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT; BHXH, BHYT phải theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH, BHYT; thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân”. Nghị quyết đặt mục tiêu: “Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện… Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN... Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn... Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
     Cụ thể hóa chủ trương, quan điểm nói trên, Chính phủ đã trình Quốc hội việc sửa đổi Luật BHXH năm 2006 với 02 mục tiêu quan trọng:
       - Đảm bảo An sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH. Đồng thời, Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH (Nghị quyết 21-NQ/TW, 2012).
      - Đảm bảo an toàn, cân đối Quỹ BHXH thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng BHXH để đảm bảo cân đối với thời gian hưởng BHXH của người lao động.
     Ngày 20/11/2014, Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Luật đã  tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm An sinh xã hội của công dân và trách nhiệm của Nhà nước tại Điều 34 và Điều 59, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng nguyện vọng của người lao động về An sinh xã hội và góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về An sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
     Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung nhiều chính sách mới về mở rộng đối tượng tham gia BHXH, trong đó có quy định: “Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng” là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại Điểm b Mục 1 Điều 2 và thời điểm thực hiện chính sách này là từ ngày 01/01/2018 (Luật BHXH, 2014). Quy định này đã tạo cơ hội cho nhiều người lao động được tham gia BHXH, khắc phục tình trạng doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng để trốn đóng BHXH người lao động./.
(Kỳ sau: Tình hình thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 - 03 tháng)
                                                                                                   TS.Bùi Sỹ Lợi
                                                            Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội

liên kết web