TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Voltar
LĐLĐ TỈNH TỔ CHỨC HỘI THẢO “CÔNG ĐOÀN TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO HOẠT ĐỘNG BAN THANH TRA NHÂN DÂN”. (07/03/2016)
Nhằm đánh giá đúng kết quả và tác dụng của Ban Thanh tra nhân dân qua 10 năm thực hiện Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28/7/2005 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân”; chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, rút ra những bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân trong thời gian tới; đồng thời tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Sáng ngày 04/03/2016, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội thảo “Công đoàn tổ chức và chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân”.

      Đến dự Hội thảo có Đ/c Lưu Văn Xem – Phó trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy và gần 100 đại biểu đại diện Ủy Ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Thanh Tra tỉnh; ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, cán bộ công chức Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh; chủ tịch và phó chủ tịch các LĐLĐ huyện (TX, TP), Công đoàn ngành và tương đương; trưởng Ban Thanh tra nhân dân một số đơn vị trực thuộc LĐLĐ huyện (TX, TP), Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh; Phóng viên Báo Sóc Trăng, Đài PTTH Sóc Trăng đến dự và đưa tin.


        Qua 10 năm hoạt động, Ban Thanh tra nhân dân đã khẳng định được vị trí và vai trò to lớn trong việc thực hiện quyền giám sát của cán bộ, công nhân viên chức lao động trong cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào những nội dung: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị; thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công nhân, viên chức theo quy định của pháp luật; việc tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; … và một số việc khác theo quy định của pháp luật. Qua đó, đã giúp cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sớm phát hiện được những tồn tại trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành đơn vị đúng pháp luật và kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục; đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị. Mặt khác, hoạt động của ban thanh tra nhân dân cơ sở đã góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cán bộ, công nhân viên chức, lao động.

         Những nơi Ban Thanh tra nhân dân hoạt động tốt là do nội bộ đoàn kết, cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, chính quyền (NSDLĐ) thấy rõ trách nhiệm và tạo điều kiện, Công đoàn cơ sở biết tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động cụ thể, ban thanh tra nhân dân chủ động phát huy quyền và trách nhiệm của mình.


        Tuy nhiên, một số nơi Ban Thanh tra nhân dân chưa thật sự phát huy đúng mức vai trò, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, thậm chí có nơi chỉ là hình thức, chưa độc lập trong việc giám sát thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.      Những hạn chế, thiếu sót đó là do: một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động; một số nơi, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình, thiếu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo hoạt động ban thanh tra nhân dân; các thành viên Ban Thanh tra nhân dân đều hoạt động kiêm nhiệm, trình độ nghiệp vụ về thanh tra còn hạn chế, thời gian dành cho thực hiện nhiệm vụ Ban Thanh tra nhân dân chưa nhiều; chưa có kinh phí hoạt động; …


        Tại Hội thảo, đại biểu cũng được nghe 6 bài tham luận và 4 ý kiến phát biểu thảo luận cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm Công đoàn tổ chức và chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân và minh họa làm rõ thêm những việc đã làm được, những tồn tại hạn chế, những vướng mắc trong tổ chức, chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân; đăc biệt tập trung vào các nội dung: vai trò Công đoàn trong việc tổ chức và chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân; hiệu quả công tác chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân; kết quả thực hiện Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28/7/2005 (những nội dung liên quan đến trách nhiệm Công đoàn); thực trạng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân; trách nhiệm Công đoàn trong công tác chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân; kết quả tổ chức thực hiện vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân tại đơn vị; kết quả tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân tại đơn vị; những bất cập trong Nghị định số 99/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó rút ra những kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, những kiến nghị với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Công đoàn, các ngành liên quan, đặc biệt là với Chính phủ trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28/7/2005 của Chính phủ.


        Phát biểu bế mạc Hội thảo Đ/c Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh phát huy những kết quả đạt được của các cấp Công đoàn và của Ban Thanh tra nhân dân trong thời gian qua, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và những bài học kinh nghiệm; đồng thời trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân các cấp Công đoàn cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
 

        1. Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị định mới của Chính phủ  và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương và của Tổng Liên đoàn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, CNVCLĐ, cán bộ Ban Thanh tra nhân dân hiểu mục đích, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.


        2. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.


        3. Chủ động phối hợp với Thanh tra cùng cấp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, cán bộ Ban Thanh tra nhân dân.


       4. Các cấp Công đoàn tăng cường chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.


       5. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự hỗ trợ của chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng.


      Qua Hội thảo này, hy vọng các cấp Công đoàn sẽ có những kinh nghiệm quý báu và tìm thêm nhiều giải pháp tốt trong tổ chức và chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân tại địa phương, đơn vị mình, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Ban Thanh tra nhân dân trong thời gian tới; góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở./.

                                                                                                                            Thanh Thanh

 


liên kết web