TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Vissza
Ông Cua lúa thơm
Nhằm góp phần, tôn vinh những cá nhân anh hùng – Điển hình tiên tiến trong đoàn viên CNVCLĐ của tỉnh đã có những sản phẩm sáng tạo mang lại hiệu quả kinh tế thương hiệu Việt Nam. Nhân Tháng Công nhân năm 2017. Ban Biên tập trang thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh xin đăng bài viết của Nhà báo Nhật Hồ, phóng viên Báo Lao động mang tựa đề “Ông cua lúa thơm” (đăng trên trang 7 Báo Lao động số 95, ngày 27/4/2017) để đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh đọc, theo dõi…

     Suốt cuộc đời gắn bó với đồng đất ĐBSCL, ở tuổi 64, ông Hồ Quang Cua vẫn miệt mài với các dự án của mình. Không còn làm quản lý, đối với ông đó là cơ hội để toàn tâm, toàn ý nghiên cứu lúa thơm. 15 năm đưa cây lúa thơm vào cánh đồng Việt, ông đã làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đem lại cuộc sống khấm khá hơn cho hàng triệu nông dân.
     Giống lúa đổi đời cho nông dân


 Ông Hồ Quang Cua với những hạt gạo mầm đã thử nghiệm thành công


     Cái tên Hồ Quang Cua, Sóc Trăng không mấy xa lạ đối với những người nghiên cứu cây lúa của Việt Nam. Ông là chủ nhân của hàng loạt giống lúa thơm ST3, ST5, ST20, ST đỏ, ST22, ST 24 vốn đã định danh trên thị trường lúa gạo Việt Nam. Cũng chính ông là người đem hạt gạo thơm Việt Nam xuất khẩu các nước trên thế giới với giá cao hơn gạo trắng thường trung bình 100USD/tấn.
     Sinh năm 1953 tại xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt, chức vụ cao nhất là Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng. Ông nổi tiếng khẳng khái cương trực như cái tên của mình. Chuyện kể rằng, khi còn đương chức Phó Giám đốc Sở NNPTNT, có người thắc mắc sao không làm thạc sĩ, hay tiến sĩ, ông đáp: “Tui chưa xài hết cái bằng kỹ sư của mình”.
     Cơ duyên đến với cây lúa thơm bắt đầu từ chuyến công tác “ké” với lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng năm 1980 qua Thái Lan. Thấy họ nghiên cứu lúa thơm, ông “học lóm” đem về quê nhà nghiên cứu. Ông trầm ngâm: “Có người nói tôi ăn cắp công nghệ của người ta chớ chẳng hay ho gì. Tôi không cãi, bởi lâu nay trên thế giới tài liệu nghiên cứu về giống lúa thơm không nhiều, thậm chí không có. Mình thấy họ làm về học hỏi vậy thôi”.
     Cái “vậy thôi” của ông nói nghe dễ như trở bàn tay, nhưng nó đã đeo bám ông gần như suốt cả cuộc đời. Dạo những năm 80 của thế kỷ trước, có người quy chụp ông có tư tưởng “tư sản” vì không quan tâm đến an ninh lương thực mà nghiên cứu lúa thơm. Bởi một thời người ta buộc phải lo cho cái bụng trước khi nghĩ tới ăn ngon mặc đẹp.
     Dịp may đến với ông vào năm 1992, khi gặp được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Nguyễn Công Tạn - người tâm huyết về nông nghiệp Việt Nam. Nhận thấy hướng nghiên cứu đầy triển vọng của người cán bộ tâm huyết, vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp khuyến khích ông nghiên cứu và đặc cách công nhận lúa thơm AST là phát minh độc quyền của ông.
     Là kỹ sư nông nghiệp gắn bó với nông dân, ông hiểu rằng ĐBSCL cây lúa vẫn là cây lương thực chính không có loại nào thay thế được. Muốn người nông dân giàu lên, khá lên, sống được bằng đồng đất của mình phải thay đổi tư duy về cây lúa. Nhắc chuyện này ông chậm rãi: “Nói thì dễ lắm. Bởi đó là lý thuyết mà, còn làm thế nào là làm thế nào. Người ta hỏi lại vậy mình nghe mắc cỡ hết biết”. Chọn đối tượng cây lúa thơm ST để thay đổi đời sống người nông dân, nhưng để có được sự thay đổi như hiện nay là cả một quá trình rất dài.
     Đó là năm 1993 lúa thơm ST đã chính thức ra đời. Khổ nỗi thị trường chưa quen, nên họ mua lúa thơm ST bằng với lúa thường, nông dân đối tác làm giống chán nản. UBND tỉnh Sóc Trăng ủng hộ ông không bán giống ra ngoài. Nhưng không bán thì lấy tiền đâu hoàn trả cho ngân sách. Cầm cự đến giữa năm 1994, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định bán hết lúa thơm ST bằng giá với lúa thường cho người ta chà gạo ăn. Không ngờ khi ăn cơm nhiều người bất ngờ vì quá thơm, dẻo, ngon đến… ngất ngây. Vậy là đến đầu vụ, người ta ùn ùn đi tìm mua giống lúa ST của ông Cua.
     Kể chuyện này, ông cười nheo đôi mắt: “Nhớ hồi lúc mới khảo nghiệm thành công lúa thơm ST3 vào năm 1990 chưa đến 50kg quý như vàng, vậy mà dự hội thảo nào tôi cũng nấu cơm mời các vị lãnh đạo, các viện quy hoạch ăn thử. Nấu nhiều đến mức thầy Xuân (GS Võ Tòng Xuân) sợ tôi đem nấu cơm hết không còn giống. Vậy mà nhờ giống “ế” bán lúa ngang chà gạo ăn mà lúa thơm của mình đến tay hàng chục ngàn hộ gia đình, hổng có tốn đồng xu tiếp thị nào”.
     Tôi có cả cánh đồng lúa Việt Nam
    Là người mê cây lúa, gần như suốt cuộc đời gắn với cây lúa thơm, nhưng ít ai biết rằng ông không có hécta đất lúa nào. Ông lý giải: “Đất của nông dân, mình hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác, khi thu hoạch mình mua lại lúa cho nông dân. Khu nào sản xuất giống thì mình hướng dẫn cho nông dân cấy (không phải sạ lúa - PV) để mùa sau cho ra giống cấp xác nhận. Hà cớ gì mình phải mua đất để sản xuất. Nếu làm vậy khác nào mình giành lợi nhuận với nông dân sao”.
     Là người chuyên sản xuất giống lúa thơm ST cung cấp cho thị trường, rồi mua chính sản phẩm lúa ST của mình liên kết để xuất khẩu ông không vì lợi nhuận mà đặt lợi ích của người dân trên hết. Điều này được ông gọi là “lao tư lưỡng lợi”. Nghĩa là người lao động và người bỏ vốn ra đều có lợi. Ông Cua bỏ giống, nông dân gieo trồng, cuối vụ ông mua lại. Người dân thấy có lãi thì làm ăn với ông. Nếu giá thị trường cao, ông tiếp tục chia sẻ lợi nhuận thêm cho nông dân. “Quan trọng nhất là đừng bao giờ ham lời nhiều đối với người nông dân” - ông chia sẻ.
     Với cách làm đó, nhiều năm nay Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành hàng trăm “Cánh đồng Ông Cua” trồng lúa thơm quy mô liên xã rộng hàng ngàn hécta, phù hợp với nhu cầu thu mua của doanh nghiệp.
     Có trong tay các giống lúa thơm ST, thích hợp với nhiều vùng đất khác nhau, ông đã đưa vào cơ cấu sản xuất lúa - màu ở các giồng cát ven biển hoặc lúa - tôm nước lợ ở các tỉnh ven biển ĐBSCL như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Riêng lúa thơm ST ven biển đã phát triển trên 7.000ha.
     Hiện tại, theo số liệu thống kê của các tỉnh có trên 60.000ha lúa thơm ST đang được gieo trồng, lợi nhuận tăng thêm bình quân 15 triệu đồng/ha/năm so với lúa thường. 15 năm phát triển lúa thơm ST ông Hồ Quang Cua đã giúp cho lợi nhuận tăng thêm của người nông dân ĐBSCL lên đến trên 10.000 tỉ đồng.
     Nhưng cái lợi cao gấp nhiều lần tiền đó là chính ông đã làm thay đổi cung cách làm ăn trên cánh đồng lúa của nông dân. Đó là vào các năm 2013, 2014, 2015 giá gạo Việt Nam liên tiếp xuống thấp trên thị trường thế giới. Nông dân rất thiệt thòi. Nhưng riêng gạo thơm vẫn đứng vững trên thị trường xuất khẩu, hàng chục doanh nghiệp tìm đến Sóc Trăng để đầu tư ứng trước cho nông dân, chia sẻ khó khăn, vốn liếng cho nông dân để sản xuất gạo thơm ST.
     Biết mình đang ở đâu
     Trăn trở về hạt gạo thơm gần suốt đời người, ông biết rất rõ hạt gạo thơm Việt Nam đang đứng ở đâu trên thị trường thế giới. Ông thẳng thắn: “Sẽ là hoang đường khi cho rằng gạo thơm Việt Nam cạnh tranh với gạo Thái Lan. Bởi Thái Lan họ làm gạo thơm cao cấp, năng suất rất thấp, phục vụ cho phân khúc thị trường cao cấp. Còn Việt Nam còn rất lâu và rất xa mới cạnh tranh được với gạo thơm Thái Lan”.
     Am hiểu thị trường, làm chủ công nghệ, được nông dân và doanh nghiệp ủng hộ, ông hướng gạo thơm ST vào phân khúc thị trường tầm trung. Theo ông đó là thực tế thị trường gạo trong và ngoài nước hiện nay và cả mai sau đang cần. “Người ta cần gạo thơm có mức giá vừa phải, mình đi làm ra gạo thơm có giá cao thì làm sao tiêu thụ được”. Đến đây tôi nhận ra rằng, trong con người ông có cả 4 “nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Ở phương diện “nhà nào” ông cũng đứng về phía lợi nhuận cho người trồng lúa. Ông lấy làm buồn khi gần đây có nhiều người nghiên cứu lúa thơm trên cơ sở lai lúa thơm với loại lúa không thơm để có năng suất cao. Theo ông, đời con, đời cháu thì vẫn còn thơm, nhưng đến đời thứ 3 thì sẽ không còn thơm nữa. Làm vậy là hại người nông dân, hại nông nghiệp.
     Sau thành công ở gạo thơm ST, thời gian gần đây, ông bước sang lĩnh vực gạo mầm, gạo dinh dưỡng. Ông khoe: “Gạo mầm có tiền chất trị bệnh tiểu đường, ngăn ngừa một số loại ung thư. Biết đâu mai mốt tôi chuyển qua loại này để cứu hàng triệu người đang bị tiểu đường đang cần”.
Tôi đưa ống kính chụp, ông can: “Khoan đã, gạo mầm thì đã có mầm rồi nè. Còn bao nhiêu thành phần trong ấy để trị tiểu đường, ung thư thì cần phải có phân tích, chứng nhận của bác sĩ chuyên khoa. Mình có phải là bác sĩ đâu mà biết gạo mầm trị bệnh gì. Không khéo người ta nói ông Cua nói dóc để bán gạo thì nguy”. Con người ông là vậy, cái gì cũng đặt chữ Tín lên hàng đầu.

Nhật Hồ


liên kết web