TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Zurück
CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 TÁC ĐỘNG MẠNH MẼ ĐẾN VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG VIỆC NÂNG CAO KỸ NĂNG NGHỀ CHO GIAI CẤP CÔNG NHÂN
Việt Nam không nằm ngoài tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Cuộc cách mạng này sẽ tác động lớn, trực tiếp đến GCCN Việt Nam. Sự gia tăng tỷ lệ tự động hóa giúp các công ty sản xuất toàn cầu có cơ hội đưa sản xuất về lại nước mình, giành lại công việc từ các nước có giá nhân công thấp, nó làm thay đổi về phân bố nguồn nhân lực sản xuất, cơ hội việc làm của NLĐ, cách thức sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Đây là thách thức đối với tổ chức Công đoàn trong việc nâng cao kỹ năng nghề cho GCCN.

        Thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là CMCN 4.0). Cuộc CMCN 4.0 xuất hiện trên nền tảng của cuộc CMCN lần thứ ba (phiên bản 3.n). Thực ra cuộc cách mạng này đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ XX; đã và sẽ hình thành những công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học cả trong đời sống, sản xuất, cũng như trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Khác với cuộc CMCN lần thứ ba, cuộc CMCN 4.0 lần này có sự ứng dụng rộng rãi và tốc độ ứng dụng rất nhanh đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các thế hệ điện thoại di động thông minh với những ứng dụng vô cùng phong phú. Chúng ta cũng chứng kiến sự ứng dụng của công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi mặt của đời sống xã hội từ quản trị chính phủ; quản trị nhà máy đến quản lý ngôi nhà, bếp ăn của từng gia đình. Những đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, robot, mạng Internet, hệ thống đa phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử sẽ còn tác động mạnh mẽ hơn nữa đến đời sống xã hội. Trong cuộc cách mạng 4.0 này, hệ thống dạy nghề sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì các ranh giới giữa các lĩnh vực rất mong manh. Sẽ là sự liên kết của các lĩnh vực lý - sinh; cơ - điện tử - sinh, hình thành những nghề đào tạo mới, đặc biệt là những nghề liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy (ví dụ, nghề trợ lý ảo, phục vụ ảo, thư ký ảo)…Những khái niệm phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo sẽ trở thành xu hướng trong hoạt động đào tạo nghề (ĐTN) trong thời gian tới.
        Những sự thay đổi của cuộc CMCN 4.0 lần này sẽ tác động trực tiếp vào sản xuất và cơ cấu nhân lực trong thị trường lao động (TTLĐ) tương lai khi một robot có thể thay thế vài trăm, thậm chí hàng nghìn CNLĐ. Điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với tổ chức Công đoàn và hệ thống dạy nghề của tổ chức này, đó là:
        Thứ nhất, để đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao và đa dạng ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế 4.0, các cơ sở dạy nghề (CSDN) phải đổi mới mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo ra những “sản phẩm” NLĐ tương lai có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay “sức ỳ” của nhiều năm đào tạo theo hướng cung với những chương trình đạo tạo cứng và phương pháp đào tạo lạo hậu là lực cản cảu sự đổi mới này. Trong khi cuộc CMCN 4.0 đang và sẽ tác động nhanh, mạnh mẽ đến TTLĐ Việt Nam, thì các CSDN, trong đó có các CSDN của công đoàn, nơi cung cấp nhân lực chủ yếu cho nền kinh tế thích ứng khá chậm chạp, vẫn chủ yếu đạo tạo theo cách đã cũ. Học sinh, sinh viên với các kiến thức, kỹ năng đang được dạy trong nhà trường hiện nay, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia, còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế 3.0 hiện tại, có thể hoàn toàn không hữu dụng với nền kinh tế 4.0 hoặc đang dễ dàng bị robot thay thế trong tương lai gần ở một số ngành nghề.
        Thứ hai, để đáp ứng nhân lực cho nền kinh tế sáng tạo, đòi hỏi phải thay đổi các hoạt động đào tạo, nhất là phương thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT. Tuy nhiên, hiện nay các điều kiện đảm bảo cho sự thay đổi này vẫn còn hạn chế. Ở đa số CSDN, sự đổi mới phương thức và phương pháp dạy và học còn khá chậm trễ do hạ tầng CNTT còn lạc hậu (ngoại trừ một số cơ sở được đầu tư thành trường chất lượng cao) và không đồng bộ. 
       Thứ ba, sự thay đổi trong quản trị nhà trường. Cách mạng 4.0, như đã nêu, đòi hỏi phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ CNTT. Đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này tác động đến bố trí cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên của các CSDN. Đội ngũ này phải được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT. Điều này dẫn đến sự thay đổi về quy mô và cơ cấu giáo viên (cả về trình độ và kỹ năng), sẽ xuất hiện hiện tượng thừa và thiếu nhân lực. Tuy nhiên, với cơ chế tuyển dụng và sử dụng như hiện nay, đây là vấn đề đang được đặt ra trong các CSDN. Bên cạnh đó, việc đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của TTLĐ (nhu cầu vừa đa dạng, vừa thay đổi nhanh), đòi hỏi tổ chức các hoạt động đào tạo (phát triển chương trình, tuyển sinh, lập kế hoạch đào tạo…) phải linh hoạt và có tính thích ứng cao. Tuy nhiên, với cách quản trị nhà trường hiện tại, khó có thể đáp ứng yêu cầu này.
        Thứ tư, song song với việc nâng cao chất lượng “máy cái”, đổi mới mô hình nhà trường là giải pháp rất cần thiết. Cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần” và hướng tới sẽ đạo tạo “những gì thị trường sẽ cần”. Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa CSDN với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẽ các nguồn lực chung: cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống. Mặc dù vấn đề này đã được đề cập khá lâu, nhưng mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; giữa đào tạo và sử dụng nhân lực qua đào tạo vẫn còn rất “lõng lẽo”, chỉ được thực hiện một cách tự phát, trên cơ sở các mối “quan hệ” thân thiện, chứ chưa trở thành phổ biến, chưa trở thành “trách nhiệm xã hội” của các doanh nghiệp.
        Thứ năm, vấn đề đổi mới quản lý cả ở cấp vĩ mô và cấp cơ sở đối với hệ thống dạy nghề. Với sự xuất hiện những lớp học ảo, chương trình ảo, và những yêu cầu của TLLĐ với những kỹ năng sáng tạo mới, đòi hỏi có sự quản lý chung để có một mặt hướng tới sự đảm bảo “mặt bằng” chất lượng; mặt khác, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế sáng tạo và cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này cũng đang là vấn đề của hệ thống dạy nghề, khi hệ thống cơ sở pháp lý đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện. Về mặt quản lý, để thống nhất mặt bằng chất lượng, đòi hỏi phải tiến hành xây dựng các chuẩn và tổ chức xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra. Mặt khác, về mặt quản lý, sự chưa đồng bộ, còn chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành; sự chưa rạch ròi giữa các chức năng quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là những hạn chế đã được chỉ ra cần sớm khắc phục.
        Đứng trước cuộc CMCN 4.0 lần này, tổ chức Công đoàn cần tìm cách thay đổi giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực quản lý, để lớp công nhân mới có tri thức và kỷ năng thích ứng được với thay đổi do cuộc CMCN mới đặt ra, để nâng cao những phẩm chất và tính nhân văn của con người mà máy không bao giờ có được. Cuộc CMCN 4.0 sẽ mang lại thách thức đồng thời mở ra cơ hội học tập suốt đời, nâng cao trình độ cho NLĐ. Điều này khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ, giúp GCCN cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức, kỹ năng mới nhất để sẵn sàng gia nhập cuộc CMCN 4.0 nếu không muốn bị máy móc bỏ lại phía sau?

                                                                        Th.S Nguyễn Ngọc Linh
                                    Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Công đoàn Việt Nam
                            (Đăng trên tạp chí Lao động và Công đoàn Số 625, Kỳ 1 tháng 8 – 2017)

 


liên kết web