TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Zurück
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” TRONG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC
Phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” là phong trào thi đua mang tính đặc trưng riêng của nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung, phong trào đã có sức lan tỏa, ngày càng phát huy được phẩm chất tốt đẹp, tiềm năng của nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc góp phần phát triển kinh tế xã hội và trở thành cầu nối thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, khẳng định được vị thế của đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong sự nghiệp trồng người. Hiện nay, tỷ lệ nữ chiếm 53,83% trên tổng số 18.870 công chức, viên chức, lao động ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng, đây là nguồn nhân lực trí thức lớn của tỉnh nhà. Những thành tựu của ngành giáo dục trong thời gian qua có sự đóng góp to lớn của lực lượng nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động. Để phát huy khả năng, sự cống hiến của nữ cán bộ nhà giáo, người lao động trong quá trình công tác cũng như trong xây dựng hạnh phúc gia đình đòi hỏi cần phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Vì nếu đẩy mạnh được phong trào này trong đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chất lượng giáo dục, chất lượng giảng dạy; đồng thời góp phần xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

     Để đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, Ban Nữ công Công đoàn ngành Giáo dục đã quán triệt, cụ thể hóa Kết luận 147/KL-TLĐ, ngày 04/2/2016 của Tổng Liên đoàn về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TLĐ, ngày 29/01/2011 của Tổng Liên đoàn về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh nhằm tiếp tục phát huy vai trò và tiềm năng của nữ CNVCLĐ, công tác nữ vào tất cả các hoạt động; đồng thời lồng ghép phong trào thi đua với “Xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa”, “ Dân số kế hoạch hóa gia đình”, “ Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... từng bước đưa phong trào vào nền nếp, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong nữ CNVCLĐ, để mỗi chị em chủ động phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng gia đình hạnh phúc.
     Quan tâm củng cố, kiện toàn các Ban Nữ công, Tổ nữ công, đồng thời xác định Ban Nữ công CĐCS đóng vai trò quan trọng trong tổ chức thực hiện Nghị quyết của BCH Công đoàn ngành về công tác nữ công, lựa chọn nhân sự Ban Nữ công là những đồng chí tâm huyết, có đức, có tài, nắm vững trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thuận lợi trong việc tiếp cận, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ cho nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động được quan tâm, hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức để tạo sự chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng và hành động, giúp cho đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động thấy rõ hơn vai trò và tầm quan trọng của phong trào; phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” còn được triển khai đồng thời với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”... để tạo cơ hội cho nữ nhà giáo đóng góp tích cực và mang lại hiệu quả cao hơn trong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà. Kết quả của phong trào cho thấy, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn khá cao, cụ thể: Mầm non 68,5%; Tiểu học 69,7%; THCS 65%; THPT 13,2%; CĐSP 62,5%. Toàn ngành có 05 Tiến sĩ, 268 Thạc sĩ; 68 cán bộ, nhà giáo đang học Thạc sĩ, 13 nghiên cứu sinh. Riêng năm 2017, có 18/33 cá nhân được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, đạt tỷ lệ 58,06%. Với kết quả trên có thể khẳng định, phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” thực sự đã trở thành một hoạt động sâu rộng và sôi nổi ở tất cả các cơ sở giáo dục, tác động mạnh mẽ trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động. Nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm do nữ đảm nhiệm không những mang lại hiệu quả cao trong quá trình đổi mới công tác quản lý, phương pháp giảng dạy mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo yêu cầu của xã hội. Với lực lượng đông đảo và có tính chất quyết định về chất lượng giáo dục, nữ cán bộ nhà giáo, người lao động càng xác định rõ nhiệm vụ của bản thân là không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị đóng góp tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo của ngành. 
     Với những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua, 16 tập thể và cá nhân đã được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen; Công đoàn ngành đã trao Giấy chứng nhận cho 30 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào, giai đoạn 2010 - 2015; Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn ngành đã tặng Giấy khen cho 126 cá nhân và 24 tập thể thành tích xuất sắc trong phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, giai đoạn 2010 - 2015. Hàng năm, có trên 90% chị em đạt danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. 
     Nữ cán bộ, giáo viên đã có những đóng góp vào việc quản lý, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, tỷ lệ nữ tham gia công tác quản lý trong mỗi cơ sở giáo dục tăng, hiện có 34/148 nữ cán bộ làm công tác lãnh đạo, chiếm tỷ lệ 32,88%. Chính đội ngũ nữ tham gia công tác quản lý ở mỗi cơ sở giáo dục là hạt nhân của các phong trào thi đua “Hai tốt”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Dân chủ -  Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Từ phong trào, năm 2017 có 19 chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
     Phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, làm chuyển biến tư tưởng, giúp nữ cán bộ nhà giáo, người lao động tiến bộ, khơi dậy được tiềm năng và lòng nhiệt tình của chị em quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Công đoàn, ngành đề ra. Qua thực tiễn hoạt động phong trào, chúng tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm chỉ đạo cụ thể sau:
Một là, quán triệt một cách sâu sắc và cụ thể hóa Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ, ngày 29/01/2011 về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo và rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; lồng ghép với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào thi đua “Hai tốt”, cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”...

Trao Giấy khen cho các cá nhân đạt thành tích

     Hai là, động viên nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị đáp ứng được yêu cầu mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới; thực hiện nghiêm túc chính sách dân số, ngăn chặn các tệ nạn xã hội; nuôi con khỏe, ngoan, học giỏi, chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
     Ba là, chủ động tham gia với chuyên môn đảm bảo việc làm, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, thu nhập ổn định cho nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động. Phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ đồng cấp tự kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách; ngăn ngừa nguy cơ và đấu tranh với các hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của phụ nữ. 
     Bốn là, phát hiện, giới thiệu nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động ưu tú cho Đảng, chính quyền xem xét bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, tham gia cấp ủy, bộ máy lãnh đạo chính quyền, đoàn thể các cấp; phấn đấu đến năm 2020, mỗi cơ sở giáo dục đều có ít nhất 01 cán bộ nữ tham gia lãnh đạo quản lý đơn vị và phấn đấu tăng tỷ lệ nữ giữ cương vị thủ trưởng đơn vị.
     Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Nữ công các cấp để làm tốt công tác tham mưu về công tác vận động nữ, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác nữ công, đặc biệt là triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” ngày càng hiệu quả, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nữ cán bộ nhà giáo, người lao động. Cần cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, tiêu chuẩn thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” cho phù hợp với ngành và điều kiện thực tế của đơn vị; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào; biểu dương khen thưởng kịp thời, nhân rộng điển hình tiến tiến

Diệp Thị Tuyết Mai


liên kết web